"Thương nhau múc bát chè xanh
Làm tô Mì Quảng mời anh xơi cùng"
Nếu đã từng một lần đến với Quảng Nam có thể bạn sẽ nghe được những lời mời gọi đẩy đưa ấy của cô bán Mì Quảng.
Mì Quảng không chỉ là đặc sản nổi danh của vùng đất Quảng Nam mà còn phổ biến ở cả khu vực miền Trung.
Mì Quảng có nhiều loại khác nhau như mì gà, tôm, thịt, trứng, bò, cá lóc…, mỗi loại mang một hương vị và sắc thái đặc trưng riêng. Mì Quảng dân dã nhưng tất cả khác khâu chế biến đều đòi hỏi sự chăm chút, tỉ mỉ: từ chọn gạo cho đến nước nhưng (hay nước lèo theo cách gọi của người địa phương) và các loại gia vị, phụ liệu khác cũng vậy.
Để có được sợi mì sóng sánh, mượt mà, độc đáo là cả quá trình chế biến kỳ công của người đầu bếp. Sợi mì Quảng làm từ loại gạo không dẻo, hàm lượng bột cao nhưng phải đảm bảo độ kết dính. Gạo được ngâm ít nhất trong vòng 1 tiếng, sau đó cho vào cối xay mịn, tráng thành những lá mì mỏng, xếp chồng lên nhau và thái sợi. Để những sợi mì không dính, phải dùng dầu phụng, phi thơm với củ nén đập dập thoa lên bề mặt của lá mì.
Nước nhưng dùng cho mì Quảng được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau tùy theo khẩu vị mà khách muốn dùng.
Rau dùng cho Mì Quảng là những loại rau có mùi vị đặc biệt. Người Quảng khi làm mì thì dùng rau Trà Quế gồm cải con, rau húng lủi, rau quế xanh (chứ không phải loại quế cọng đỏ dùng cho phở), xà lách, và đặc biệt là phải có hoa chuối thái mỏng.
Ngoài ra còn có các loại phụ liệu không thể thiếu là hành lá, ớt xanh, bánh tráng gạo mè, chanh, nước mắm ớt được làm từ cá cơm (dùng để nêm thêm cho vừa khẩu vị của từng người) và đậu phộng rang giã nhỏ.
Nói chứ, học nghề Bếp ở VAVC thì nấu món gì cũng được!
Đội ngũ truyền thông VAVC - Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc